Đại học Trà Vinh: Quy trình nhân giống dừa sáp bằng công nghệ nuôi cấy mô tế bào

Đại học Trà Vinh: Quy trình nhân giống dừa sáp bằng công nghệ nuôi cấy mô tế bào

Dừa sáp là một trong các giống dừa có giá trị kinh tế cao, đây là loại quả đặc sản của tỉnh Trà Vinh. Dừa sáp có đặc tính cơm (cùi) đặc sệt, hàm lượng dầu cao hơn dừa thường, hàm lượng dinh dưỡng cao và mùi thơm đặc trưng. Tuy nhiên, do đặc tính di truyền của loại dừa này, việc duy trì, nhân giống dễ bị lai với các giống khác, khiến cho việc lựa chọn cây con giữ được đặc tính tốt như bản chất của giống là rất khó. Ngày 14 tháng 6 năm 2017, Bộ Khoa học và Công nghệ đã đồng ý thực hiện đề tài “Nghiên cứu nhân giống dừa bằng công nghệ nuôi cấy mô tế bào và kỹ thuật thâm canh dừa trồng giống nuôi cấy mô” và hiện tại đã nghiên cứu thành công. Vậy hãy theo dõi bài viết dưới đây để hiểu rõ hơn về quy trình nhân giống dừa sáp bằng công nghệ nuôi cấy mô tế bào bạn nhé.

1. Giới thiệu về quy trình nhân giống dừa sáp bằng công nghệ nuôi cấy mô tế bào tại đại học Trà Vinh

Công nghệ nuôi cấy mô tế bào là gì?

quy trình nhân giống dừa sáp

Công nghệ nuôi cấy mô tế bào là phương pháp duy trì và nuôi cấy các tế bào, mô hay cơ quan thực vật trong điều kiện vô trùng, được thực hiện trong điều kiện môi trường giàu dinh dưỡng với những thành phần xác định. Khả năng tái sinh nguồn cây giống dồi dào, đạt chất lượng cao.

Trường Đại học Trà Vinh cho biết, các nhà khoa học của Trường đã nghiên cứu thành công phương pháp nhân giống dừa sáp bằng công nghệ nuôi cấy mô tế bào.

Quy trình nhân giống dừa sáp tại đại học Trà Vinh bằng phương pháp nuôi cấy mô tế bào

Đề tài này được thực hiện bởi đội ngũ các nhà khoa học của Trường Đại học Trà Vinh với tổng kinh phí 10,5 tỷ đồng. TS Phạm Thị Phương Thúy, Phó Trưởng phòng Khoa học Công nghệ (Trường Đại học Trà Vinh) cùng PGS.TS Phạm Văn Đồng (Viện Di truyền Nông nghiệp) làm chủ nhiệm đề tài và các giảng viên Khoa Nông nghiệp Thủy sản (Trường Đại học Trà Vinh) cùng thực hiện với mục tiêu nghiên cứu ứng dụng công nghệ nuôi cấy mô tế bào, kết hợp với các giải pháp canh tác để bảo tồn, lưu giữ, nhân giống và phát triển một số giống dừa có giá trị kinh tế cao phục vụ chương trình tái cơ cấu ngành nông nghiệp và phát triển nông thôn tại tỉnh Trà Vinh.

quy trình nhân giống dừa sáp

Các nhà khoa học thực hiện đề tài cũng đã tạo được mô sẹo (callus) in vitro một số giống dừa có giá trị khoa học và kinh tế cao của Việt Nam (dừa sáp/dừa dứa) để làm vật liệu cho quá trình tạo tế bào tiền phôi – mô sẹo phôi hóa dừa. Từ đó, tạo được tế bào tiền phôi – mô sẹo phôi hóa dừa (phôi vô tính, phôi soma) từ mô sẹo (callus) dừa và tái sinh được cây dừa từ mô sẹo phôi hóa của dừa (dừa vô tính – in vitro) và thiết lập được quy trình đưa cây dừa vô tính – in vitro ra trồng và chăm sóc ở nhà lưới/vườn ươm.

Đối với lĩnh vực nuôi cấy mô, đề tài đã xác định được môi trường tối ưu và mẫu mô sử dụng để tạo được mô sẹo dừa và môi trường tạo tế bào tiền phôi dừa, môi trường để bào tiền phôi biệt hóa thành phôi vô tính, môi trường tạo chồi của phôi vô tính và môi trường tạo rễ.

Quy trình tạo cây dừa từ mô sẹo phôi hoá của dừa sáp thực hiện đầy đủ theo các bước và tạo được cây dừa hình thành từ phôi vô tính, đem trồng trong giá thể thích hợp. Đây là nghiên cứu có giá trị và đáng khích lệ. Đồng thời, quy trình nhân nhanh in vitro giống dừa sáp (Makapuno Coconuts) thông qua giai đoạn tạo phôi vô tính được chấp nhận đơn sáng chế hợp lệ của Cục Sở hữu Trí tuệ.

Quy trình tạo ra cây dừa từ mô sẹo phôi hoá của dừa dứa được đánh giá cao về sự đa dạng của thí nghiệm, là cơ sở quan trọng cho việc xây dựng quy trình, chất lượng và khối lượng nghiên cứu đáp ứng theo yêu cầu đặt hàng.

Hiện nay, phương pháp cấy mô tạo ra thế hệ cây con đồng đều về góc độ di truyền. Chỉ có cây dừa là nhân giống bằng phương pháp hữu tính, mỗi cá thể đều khác nhau về mặt di truyền. Mục đích của nghiên cứu này là đưa vào sản xuất cây giống đồng đều về mặt di truyền để có quần thể đồng đều về chất lượng, năng suất. Việc ứng dụng cấy mô để sản xuất giống dừa là nhu cầu cấp thiết mà lâu nay cả thế giới chưa làm được.”

2. Thành công, kết quả đạt được từ quy trình nhân giống dừa sáp bằng công nghệ nuôi cấy mô tế bào

Khắc phục được hạn chế trong quá trình nhân giống dừa sáp thông thường

Phương pháp nuôi cấy mô tế bào cho phép tái sinh nguồn cây giống dừa sáp và giúp duy trì giống này một cách hiệu quả hơn. Kỹ thuật nhân giống này là phương pháp tối ưu nhất để nâng cao tỷ lệ trái sáp/quày đạt từ 80 – 100%., giúp cây con được nhân giống giữ lại được đầy đủ những đặc tính, bản chất tốt của cây mẹ.

Tỉ lệ ra trái sáp có thể đạt tới 100%

quy trình nhân giống dừa sáp

Đối với dừa sáp trồng từ phương pháp nhân giống truyền thống, tỷ lệ trái sáp thường chỉ < 25%, trong khi đối với giống dừa sáp lùn thì tỷ lệ đạt 20 – 40%. Phương pháp nuôi cấy phôi hữu tính là sử dụng phôi hữu tính từ trái sáp, nuôi cấy in vitro trong môi trường nhân tạo. Với phương pháp này, cây giống tạo ra có tỷ lệ trái sáp/quày theo lý thuyết có thể đạt 100%.

Trong quá trình nhân giống, 100% cây sống sót sau 1 tháng, sau 3 tháng tỷ lệ cây phát triển lá non đạt 72,9% trên giá thể TS2 (100% rong thủy đài) với chất phối trộn là xơ dừa với tỷ lệ 1:2. Đề tài tạo ra 300 cây con dừa sáp in vitro, 300 cây con dừa dứa in vitro, 200 cây dừa sáp ngoài vườn ươm và 200 cây dừa dứa ngoài vườn ươm.

Trên đây, chúng tôi đã giới thiệu chi tiết cho bạn về quy trình nhân giống dừa sáp bằng công nghệ nuôi cấy mô tế bào tại đại học Trà Vinh và những thành công và kết quả mà sau quy trình này đã đạt được. Hy vọng qua bài viết này các bạn đã hiểu rõ hơn về việc nhân giống dừa sáp cũng như những thành tựu đạt được của đại học Trà Vinh trong đề tài này. Những thông tin trên được lấy trên tài liệu được đăng lên trang chủ của đại học Trà Vinh. Cảm ơn các bạn đã theo dõi bài viết của chúng tôi.